Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

TS Quách Mạnh Hào: “Nên thành lập ngân hàng quản lý nợ xấu”

"Số liệu về nợ xấu theo đánh giá của Thống đốc khoảng 10%, còn nghiên cứu của chúng tôi cho rằng con số tối thiểu nằm trong khoảng 8-14%".


                         <<  Ngân hàng Habubank tự tin xóa nợ  >>
 

Chúng ta chưa bao giờ biết con số chính xác nợ xấu là bao nhiêu và do vậy các giải pháp đưa ra hoàn toàn dựa trên con số phỏng đoán. Số liệu về nợ xấu theo đánh giá của Thống đốc khoảng 10%, còn nghiên cứu của chúng tôi cho rằng con số tối thiểu nằm trong khoảng 8-14%.

Mặt khác, việc giải quyết nợ xấu cũng cần phải xác định được gốc rễ của nợ xấu nằm ở đâu vì thực chất những gì chúng ta nhìn thấy trên bảng cân đối của ngân hàng chỉ đơn giản là kết quả cuối cùng. Giải quyết nợ xấu trên bảng cân đối ngân hàng cũng chẳng khác gì giải quyết phần ngọn của vấn đề. Nếu giải quyết được phần gốc rễ, tức là từ những doanh nghiệp thực sự phát sinh nợ xấu, thì khi đó hệ thống hoàn trả sẽ phát huy tác dụng và nợ xấu mới thực sự được giải quyết.

Tạm bỏ qua các vấn đề trên, về lý thuyết theo tôi có ba hướng giải quyết nợ xấu ngân hàng: (i) xóa nợ, (ii) chuyển nợ sang một chỗ khác, ví dụ công ty mua bán nợ hoặc một ngân hàng quản lý nợ xấu và (iii) để cho các ngân hàng tự xử lý theo chuẩn đưa trong một khoảng thời gian xác định.

Việc lựa chọn giải pháp nào cũng sẽ tạo ra những phản ứng từ phía công chúng. Chẳng hạn, xóa nợ sẽ tạo ra hệ lụy về niềm tin xã hội bởi nhìn chung xã hội nghĩ rằng các ngân hàng đã sử dụng vốn để tài trợ cho các dự án mang lại lợi ích cho một nhóm người phần lớn là chính các chủ ngân hàng. Những người hưởng lợi là một số đại gia lớn trong khi người chịu thiệt thòi là các cổ đông nhỏ lẻ và những người gửi tiền.

Đó là chưa kể nếu xóa nợ một lần thì người ta sẽ có thể tin rằng còn nhiều lần như thế. Còn nếu chuyển nợ qua một bên thứ ba thì câu hỏi đặt ra là cần bao nhiêu tiền và tiền sẽ lấy từ đâu - như báo chí vẫn đang bình luận về ý tưởng 100.000 tỷ cho công ty mua bán nợ xấu.

Để các ngân hàng tự xử lý có vẻ như sẽ xoa dịu được công chúng nhưng chắc chắn điều này sẽ gây tác hại dài hạn về phát triển kinh tế bởi mối ràng buộc của các khoản nợ ngân hàng sẽ đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp và bản thân các ngân hàng không có nhiều động lực để thực hiện hoạt động kinh doanh tốt nhất.

Do vậy, một giải pháp tổng thể thực tế và khả thi theo tôi phải là sự tổng hòa của 3 giải pháp lý thuyết nêu trên. Cần thiết kế một giải pháp mà các đối tượng liên quan đều phải chịu thiệt thòi, trong đó công chúng, người đóng thuế, người gửi tiền, cần phải được bảo vệ bởi nhà nước.

Đối với đề xuất thành lập công ty mua bán nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước, chỉ nên là một trong nhóm giải pháp nhằm đảm bảo cân đối giữa việc xóa nợ và để các ngân hàng tự xử lý. Việc cần làm là phải có một cơ quan đánh giá độc lập để xác định chính xác nguyên nhân của nợ xấu.

Theo tôi có hai nhóm lý do quan trọng dẫn tới nợ xấu của các ngân hàng hiện nay: một là do doanh nghiệp không được tiếp cận vốn đầy đủ (do lãi suất cao) dẫn tới đình trệ sản xuất và hai là do hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.

Với trường hợp thứ nhất, sẽ rất dễ để giải quyết thông qua việc giãn nợ hoặc thậm chí là cho vay thêm với lãi vay hợp lý để đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Với trường hợp thứ hai, tôi nghĩ rằng cần phải làm 3 việc cùng lúc là xóa nợ một phần, mua lại nợ thông qua công ty mua bán nợ đồng thời thực hiện việc tái cấu trúc hoạt động.

Việc xử lý với các ngân hàng cũng sẽ tùy thuộc vào việc ngân hàng đó có nợ xấu nằm trong nhóm nào nhiều hơn trong hai nhóm nêu trên. Mục tiêu là làm cho các khoản nợ xấu sẽ rời khỏi bảng cân đối của doanh nghiệp và ngân hàng.

Một cách cá nhân thì tôi không thích ý tưởng về công ty mua bán nợ mà tôi nghĩ nên lập ra một định chế tài chính đặc biệt chẳng hạn ngân hàng quản lý nợ xấu hơn là công ty mua bán nợ. Đây là mô hình cũng đã được các học giả thảo luận nhiều trong trường hợp các quốc gia Đông Âu và Trung Quốc những năm trước đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét